Biết cách sử dụng đồng hồ vạn năng là một trong những kỹ năng quan trọng nhất đối với một kỹ thuật viên điện tử. Một nhà thư pháp cần sử dụng cây bút của mình thành thạo và chính xác từng nét. Một bác sĩ cần biết sử dùng máy đo huyết áp chuyên nghiệp, một võ sư cần biết khống chế cây kiếm của mình để đưa nó đến đích... còn đối với người thợ điện tử thì sao? Một chuyên viên kỹ thuật điện tử phần cứng cần phải nắm chắc cách dùng nhiều dụng cụ để chuyên nghiệp hóa hơn kỹ năng làm việc của mình. Kỹ thuật điện tử là một lĩnh vực đòi hỏi tư duy cao và nó khá là vô hình. Bởi thế mà trước kia hồi tôi còn nhỏ cũng muốn tìm hiểu nhiều thiết bị , máy móc lắm nhưng mà mở nó ra cũng chỉ làm hỏng nó rồi nén lút đóng lại vì sợ ăn đòn. Đơn giản là lúc đó là tôi chưa đủ kiến thức cũng như công cụ để tìm hiểu và giải phẫu điện tử. Vâng, và ngay bây giờ đây tôi sẽ trình bày và hướng dẫn sử dụng đồng hồ vạn năng cho các bạn. Xin bạn nhớ rằng đây là một công cụ tuyệt vời để khám phá thế giới điện tử rộng lớn này. MỘT KIỂU ĐỒNG HỒ VẠN NĂNG CÁCH SỬ DỤNG ĐỒNG HỒ VẠN NĂNG Các bạn nhìn kỹ vào hình trên tôi đã đánh số theo thứ tự từ dưới lên trên, từ trái sang phải để các bạn tiện theo dõi rồi đối chiếu với chú thích dưới đây. (1) COM, N: đây là lỗ cắm dây đo đen, là dây dùng chung cho mọi chức năng đo (2) DCma: Thang đo dòng điện một chiều (3) 10A : Lỗ cắm dây đo màu đỏ trong chế độ đo dòng điện một chiều có giá trị lớn (4) DCV: Đây là thang đo điện áp một chiều, dùng để đo điện áp một chiều như pin, ắc quy, các bộ nguồn đã chỉnh lưu.. (5) OUTPUT: Lỗ cắm dây đo màu đỏ để đo cường độ âm thanh (trong sửa chữa amply) (6) Kim chỉ thị: Cho người dùng biết giá trị cần đo (7) Hai đèn báo mức logic: Hai đèn này sẽ sáng trong chế độ đo logic (8) ACV: Thang đo điện áp xoay chiều , được dùng đo nhiều điện áp nguồn cấp chưa chỉnh lưu (9 ) Núm tinh chỉnh zero: trong chế độ đo Ohm thì khi chập que đen và que đỏ lại thì kim phải đưa về giá trị 0 (Zero). Nếu chưa về không thì vặn núm này cho được thì thôi. (10) Thang đo transistor: Cắm các chân của transistor vào đây để biết độ khuếch đại dòng của transistor (11) P, +: Lỗ cắm dây đo màu đỏ được dùng để đo các thang đo điện áp, đo điện trở , đo logic, đo thông mạch , kiểm tra pin và đo dòng điện nhỏ. (12) Thang đo Ohm: Khi muốn đo giá trị điện trở thì vặn núm xoay về thang đo này (13) Buzz: Thang đo thông mạch. Khi thông mạch thì sẽ có tiếng kêu phát ra (14) Logic: Thang đo logic, được dùng để đo tín hiệu xung số (15) BATT: Thang đo kiểm tra pin còn tốt hay yếu. Kiểm tra được hai loại pin là 1,5 V và pin 9V. Hướng dẫn đo Mặc dù tôi đã chú thích như hình ảnh trên với các thang đo đã được liệt kê rõ ràng nhưng vẫn còn rất nhiều bạn vẫn chưa hiểu cách sử dụng đồng hồ vạn năng để đo điện áp , dòng điện hay điện trở thế nào. Dưới đây tôi sẽ trình bày chi tiết từng bước một trong mỗi chức năng đo. 1) Đo điện áp một chiều: Cắm que đen vào lỗ Com (-), Que đỏ vào lỗ P(+) . Vặn núm xoay về thang đo DCV và chọn một giá trị lớn nhất để đo nếu chưa biết điện áp cần đo nằm trong khoảng nào. Cắm hai que đo vào hai điểm cần đo điện áp và nhìn kim chỉ thị ở vạch DCV 2) Đo điện áp xoay chiều: Cắm que đen vào lỗ Com (-), Que đỏ vào lỗ P(+) . Vặn núm xoay về thang đo ACV và chọn một giá trị lớn nhất để đo nếu chưa biết điện áp cần đo nằm trong khoảng nào. Cắm hai que đo vào hai điểm cần đo điện áp và nhìn kim chỉ thị ở vạch ACV 3) Đo điện trở: Cắm que đen vào lỗ Com (-), Que đỏ vào lỗ P(+) . Vặn núm xoay về thang đo Ohm và chọn một giá trị gần với giá trị điện trở để đo nếu chưa biết giá trị điện trở cần đo nằm trong khoảng nào thì chọn từ thang nhỏ nhất là x1. Chập hai que đo lại với nhau và tinh chỉnh núm xoay (9) để đưa kim về giá trị 0. Sau đó đưa hai que đo vào hai đầu điện trở rồi quan sát kim chỉ thị để đọc kết quả đo. 4) Đo dòng điện một chiều giá trị nhỏ (mA) Cắm que đen vào lỗ Com (-), Que đỏ vào lỗ P(+) . Vặn núm xoay về thang đo DCma và chọn một giá trị lớn nhất để đo nếu chưa biết giá trị dòng điện cần đo nằm trong khoảng nào. Cho hai que đo vào 2 điểm mà trước đó bạn đã tách ra khỏi mạch điện kín rồi quan sát kim hiển thị và đọc kết quả trên vạch DCma 5) Đo dòng điện một chiều giá trị lớn (A) Cắm que đen vào lỗ Com (-), Que đỏ vào lỗ 10A (3) . Vặn núm xoay về thang đo DCma và chọn một giá trị lớn nhất (có ghi 10A màu đỏ) Cho hai que đo vào 2 điểm mà trước đó bạn đã tách ra khỏi mạch điện kín rồi quan sát kim hiển thị và đọc kết quả trên vạch DCA 6) Đo thông mạch Cắm que đen vào lỗ Com (-), Que đỏ vào lỗ P(+) . Vặn núm xoay về thang đo BUZZ . Chập hai que đo lại với nhau và tinh chỉnh núm xoay (9) để đưa kim về giá trị 0. Sau đó đưa hai que đo vào hai đầu dây dẫn và lắng nghe. Nếu có tiếng kêu thì dây dẫn thông mạch còn không thì đứt. 7) Kiểm tra pin còn tốt hay cần thay thế Cắm que đen vào lỗ Com (-), Que đỏ vào lỗ P(+) . Vặn núm xoay về thang đo BATT và chọn giá trị 1.5V nếu muốn kiểm tra pin1.5V hay chọn giá trị 9V nếu muốn kiểm tra pin 9V. Cho que đen vào cực (-) của pin và que đỏ vào cực (+) của pin sau đó quan sát kim chỉ thị. Nếu kim chạm tới vạch có màu xanh và in chữ Good thì pin còn tốt, ngược lại kim chỉ lên được đến vạch đỏ có in chữ BAD thì pin đã quá yếu và cần phải thay thế. Vậy là tôi đã hưỡng dẫn các bạn cách sử dụng đồng hồ vạn năng để đo các thông số của mạch điện một cách chi tiết nhất. Có rất nhiều bài viết hướng dẫn sử dụng đồng hồ vạn năng trên internet nhưng nếu bạn cảm thấy bài viết của tôi hữu ích thì hãy chia sẻ cho bạn bè hoặc để lại một nhận xét dưới bài viết để chúng tôi cố gắng viết những bài viết chất lượng hơn nữa. Chúc các bạn thành công. Tác giả : Nguyễn Vĩnh Thắng